Kể từ khi Vsmart gia nhập cuộc đua trong làng smartphone Việt, cuộc chiến đã trở nên gay gắt hơn, các hãng smartphone Trung Quốc đã không còn giữ được lợi thế vốn có của mình.
Sự xuất hiện của Vsmart và những ngờ vực về khả năng thành công
Vsmart chính thức trình làng những mẫu điện thoại đầu tiên của mình vào tháng 12/2018, tính đến nay chỉ mới vỏn vẹn hơn một năm. Tuy nhiên, những thành tích mà thương hiệu smartphone Việt này đạt được đáng để chúng ta phải ngưỡng mộ, thậm chí những tên tuổi hàng đầu từ Trung Quốc cũng phải dè chừng.
Còn nhớ khi Vsmart vừa trình làng, nhiều hoài nghi ngờ vực được đặt ra về sự thành công của cái tên này. Liệu Vsmart có phải làn gió mới đưa tên tuổi của smartphone Việt đi xa hơn hay cũng chỉ sớm lụi tàn như những người anh em trước đó như Mobiistar, Qphone, Asanzo hay khá hơn thì cũng chỉ mờ nhạt như Bphone?
Chiêu bài “Gậy ông đập lưng ông” của Vsmart phát huy tác dụng
Thương hiệu điện thoại của Vingroup đã thực sự nghiêm túc trong cuộc chơi mà mình bắt đầu từ con số 0 này. Quan trọng hơn hết, Vsmart đã chọn đúng nước cờ để đi trong chiến trường này khi họ dùng chiến lược cạnh tranh bằng giá và tập trung vào phân khúc giá rẻ – tầm trung, đánh đúng vào tâm lý và dễ tiếp cận khách hàng Việt.
Không đâu xa, bằng chứng là những chiếc smartphone mới nhất của hãng được cho là sự phá giá về cấu hình, hoàn toàn nổi bật trước các tên tuổi Trung Quốc như Xiaomi hay Realme. Chỉ với mức giá niêm yết gần 2,7 triệu đồng, mẫu Vsmart Joy 3 ăn đứt hoàn toàn các đối thủ trong cùng phân khúc như Redmi 8A hay Realme C2 về vi xử lý, dung lượng pin lẫn camera.
Không chỉ vậy, phải nói là những lần hiếm hoi trong lịch sử chúng ta được chứng kiến những mẫu smartphone Việt cháy hàng, từ chiếc Vsmart Live cháy hàng tại hầu hết các nhà bán lẻ điện thoại lớn như Thế Giới Di Động, CellphoneS hay FPT Shop khi điều chỉnh chỉ còn nửa giá, cho đến gần đây mẫu Vsmart Joy 3 cũng gặp tình trạng tương tự chỉ sau 14 tiếng mở bán.
Có thể thấy, cách tiếp cận này của Vsmart này khá tương tự như chiêu bài của Xiaomi hay gần hơn là Realme, dùng giá rẻ và cấu hình để giành lấy thị phần, đánh chiếm phân khúc giá rẻ và tầm trung. Cũng dễ hiểu vì nếu bán với giá cao hơn hoặc cấu hình lép vế thì người dùng Việt sẽ không có lí do gì để chọn Vsmart thay vì Xiaomi, Honor hay Realme.
Không chỉ tập trung vào giành lại thị phần giá rẻ, cận tầm trung từ những nhà sản xuất Trung Quốc, Vsmart còn mở rộng thị trường của mình xuống phân khúc siêu rẻ. Ở phân khúc giá từ 1 – 2 triệu đồng, dòng Vsmart Bee và Star không có đối thủ khi đã chiếm tới hơn 50% thị trường, thậm chí đạt gần 70% trong thời gian gần đây.
Chiến lược dùng chiêu của đối thủ để đấu lại đối thủ của Vsmart đã chứng minh được sự hiệu quả. Bằng chứng là đợt giảm giá mẫu Vsmart Live đã giúp Vsmart tăng thị phần trong tháng 11/2019 lên đến 6%, trong khi khoảng thời gian trước đó vẫn đang chật vật với thị phần từ 2 – 3%. Mẫu Joy 3 mới đây cũng đạt được doanh số ấn tượng lên đến 12,000 chiếc được bán ra chỉ trong ngày 14/2.
Cũng với sự xuất hiện và bành trướng của Vsmart, các thương hiệu Trung Quốc đang gặp phải không ít khó khăn. Nếu chỉ tính riêng 3 tuần đầu của tháng 2/2020, Vsmart đã vươn lên vị trí số 3 các hãng điện thoại có thị phần lớn nhất tại Việt Nam với thị phần trung bình lên tới 11%, trong khi Apple là 7.2% còn Mi/RedMi là 7.1%, đây là mức tăng trưởng đáng kinh ngạc, vượt qua cả các thương hiệu lớn như Apple hay Xiaomi.
Chưa dừng lại ở đó, cách đây vài ngày, Honor đã tuyên bố chính thức rời khỏi thị trường Việt Nam. Như vậy thị trường smartphone Việt đã chứng kiến “sự khai tử” của một nhà sản xuất Trung Quốc. Lí do dẫn đến việc này nhiều phần đến từ sự cạnh tranh ngày càng khắc nghiệt tại Việt Nam mà không thể không kể đến sức mạnh của Vsmart.
Tương lai chưa chắc chắn được điều gì
Mặc dù vẫn còn quá sớm để kết luận rằng liệu Vsmart có thể tiếp tục duy trì phong độ và đạt được những thành tích ấn tượng tương tự trong thời gian tới hay không, tuy nhiên điều này hoàn toàn khả quan và có cơ sở để tin vào. Với năng lực sản xuất của nhà máy là 25 triệu chiếc mỗi năm và sắp hoàn thành nhà máy khác lên tới 100 triệu chiếc, Vsmart hoàn toàn có tiềm năng phát triển mạnh mẽ hơn.
Với những lợi thế về tiềm lực kinh tế quá mạnh, đi cùng với đó là nỗ lực mở rộng hệ sinh thái các sản phẩm công nghệ cộng với sự ủng hộ từ người dùng Việt, cái tên Vsmart chắc chắn sẽ còn những bước tiến xa hơn trong thời gian tới. Cùng chờ xem những chiến lược mới của thương hiệu smartphone Việt này, để xem còn bao nhiêu hãng điện thoại Trung Quốc còn phải “khốn đốn” vì Vsmart nhé.